Đăng ký Tư vấn miễn phí
“DỞ KHÓC DỞ CƯỜI” VỚI NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ RĂNG KHÔN
Răng khôn luôn là những chiếc răng rắc rối cho bất cứ ai gặp chúng…
Phàm là những bộ phận trên cơ thể con người thì đều có chức năng nhất định, vậy nhưng các nhà khoa học vẫn chỉ ra được những bộ phận KHÔNG – CÓ – CŨNG – KHÔNG – SAO. Cùng với ruột thừa, xương cụt, sợi cơ arrector pili, mí mắt thứ 3… thì răng khôn cũng chễm chệ chiếm một vị trí trong nhóm “thất nghiệp” này. Xung quanh chiếc răng khôn bé nhỏ có hàng trăm thông tin, quan điểm khác nhau và không tránh khỏi là những ngộ nhận mà nghe thôi cũng thấy khá vô lý!
Những ngộ nhận về răng khôn đang “đánh lừa” bạn như thế nào?
CÓ RĂNG KHÔN LÀ “KHÔN”
Nhiều người vẫn “đóng đinh” quan điểm răng khôn là biểu hiện của sự trưởng thành. Nghe có vẻ thuyết phục khi độ tuổi mọc răng khôn là khoảng 17, gần như là cùng thời điểm với ngưỡng dậy thì của con người. Tuy nhiên, chúng chỉ MỌC – CHO – CÓ thôi chứ không hề liên quan đến trí thông minh hay sự trưởng thành của bất cứ ai.
Thậm chí, răng khôn có thể làm sức khỏe của bạn giảm sút, chán ăn uống, ngại vận động và chậm lớn đi một chút do phải chịu đựng những cơn đau nhức, khó chịu trong suốt quá trình chúng phát triển.
“Đau mất lớn” do mọc răng khôn là có thật!
NẾU KHÔNG KHIẾN CHỦ NHÂN “KHÔN” HƠN THÌ ÍT NHẤT CÁCH MỌC CỦA NÓ CŨNG “KHÔN”
Sai hoàn toàn – Thực sự là sai hoàn toàn khi ai đó đưa ra nhận định này. Răng khôn được đánh giá là chiếc răng mọc “ngu” nhất trên khuôn hàm cả về thời điểm và thế mọc.
Về thời điểm: Chúng không lựa chọn mọc đồng loạt cùng các răng khác ở khoảng độ tuổi 12, khi phần xương hàm còn khá mềm, có thể “trồi” lên dễ dàng mà không cần dùng quá nhiều sức. Răng khôn lười biếng chọn cách nằm im lìm sâu bên trong và đợi đến vài năm nữa, thậm chí là vài chục năm nữa mới cựa mình trồi dậy. Lúc này không chỉ xương hàm đã cứng chắc mà đến không gian cũng không còn khi các răng khác đã chiếm hết chỗ trống cần thiết.
Về thế mọc: Thế mọc của chúng cũng quy định phần nhiều bởi thời điểm. Chính bởi mọc muộn, xương hàm cứng và hết chỗ trống nên răng khôn không thể mọc theo chiều thẳng đứng. Chúng oằn mình với đủ các tư thế, nhằm đến mục đích cuối cùng là ló được mặt lên khỏi xương hàm và nướu.
Các kiểu “oằn èo” khi mọc của răng khôn
Sự ương bướng không đúng chỗ khiến cho răng khôn thường mọc theo các kiểu: lệch sang một bên “cà khịa” răng số 7; lệch sang 1 bên “khiêu chiến” với má trong; chỉ mọc 1 nửa thân răng rồi không mọc tiếp nữa hay yếu đuối đến nỗi không đâm thủng được nướu răng để trồi lên – dẫn đến tình trạng lợi trùm răng khôn… Tất cả các thế mọc không mấy khôn ngoan này của răng khôn đều đem lại những rắc rối lớn cho khổ chủ.
HƠN 20 TUỔI CHƯA THẤY RĂNG KHÔN MỌC – ƠN TRỜI! THOÁT RỒI
Răng khôn thường xuất hiện vào độ tuổi 17, nhiều người nghĩ rằng chúng mặc định xuất hiện ở độ tuổi đó hoặc nếu có chậm hơn thì chỉ khoảng 2 – 3 năm. Chính vì thế mà sau 20 tuổi khi chưa thấy chiếc răng khôn nào xuất hiện, nhiều người thở phào nhẹ nhõm cho rằng chúng sẽ mãi mãi không “hỏi thăm” đến mình.
Tuy nhiên, đừng mừng vội vì “30 chưa phải là Tết”. Chiếc răng khôn của bạn có thể không mọc thật những cũng có thể chúng chưa đến thời điểm “khởi nghĩa” vì trên thực tế, có người trên 30 tuổi vẫn tiếp tục mọc răng khôn. Nhưng cũng đừng vì thế mà mang tâm lý thấp thỏm lo lắng vì giải quyết chiếc răng khôn không phải là chuyện quá phức tạp, nhất là với sự phát triển của nha khoa như hiện nay.
Răng khôn có thể xuất hiện rất muộn trên khuôn hàm
NHỔ NGAY – ĐỪNG ĐỂ CHÚNG THOÁT!
Đáng ngạc nhiên khi có khoảng 60% dân số đang mặc định suy nghĩ “tận diệt” răng khôn khi còn là mầm mống. Khi chiếc răng khôn chỉ mới nhú hoặc có dấu hiệu đau nhức vùng trong hàm, nhiều người đã tức tốc đến nha khoa và yêu cầu nhổ bỏ ngay chiếc răng khôn của mình.
Sự thật là, ngoài những chiếc răng khôn mọc lệch gây hại thì số còn lại đều là thành phần vô hại, mặc dù chúng cũng chẳng đóng góp được nhiều cho khuôn hàm nhưng cũng không cần đến việc nhổ bỏ chúng đi. Hãy luôn nhớ nguyên tắc “BẢO TỒN TỐI ĐA RĂNG THẬT” – chỉ nhổ răng khôn khi cảm thấy đau nhức dữ dội, kéo dài nhiều ngày đi kèm với những triệu chứng sưng nhức nghiêm trọng trong khuôn hàm.
Răng khôn dù mọc thẳng hay mọc lệch thì đều gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu, chỉ khác nhau ở mức độ. Chính vì thế để xác định rõ ràng ngay từ đầu là nên nhổ bỏ hay giữ lại răng khôn, bạn nên đến nha khoa chụp CT răng để xác định thế mọc. Nếu phim chụp cho kết quả răng khôn mọc bất thường thì “NHỔ NGAY – ĐỪNG ĐỂ CHÚNG THOÁT”. Tuy nhiên, nếu chúng mọc thẳng bình thường thì hãy bao dung chúng như đối với những răng khác trên khuôn hàm.
Chỉ nhổ răng khôn nếu kết quả chụp Xquang cho thấy chúng đang mọc lệch
CHỜ ĐỢI TRONG LO LẮNG KHI CHƯA THẤY ĐỦ 4 CHIẾC RĂNG KHÔN XUẤT HIỆN
Theo lý thuyết, 1 người trường thành sẽ có 32 chiếc răng, bao gồm 4 chiếc răng khôn. Đây chính là lý do khiến cho nhiều người có tâm lý lo lắng khi khuôn hàm của mình chưa đủ số lượng răng cần thiết.
Trên thực tế, số răng được coi là đầy đủ của mỗi người sẽ dao động từ 28 – 32 chiếc răng – tức là bạn có thể không mọc chiếc răng khôn nào, chỉ mọc 1 cái, 2 cái, 3 cái hoặc mọc đầy đủ cả 4 cái. Chính vì thế, đừng lo lắng khi không thấy răng khôn xuất hiện hoặc xuất hiện nhưng không đủ. Không có răng khôn thì việc ăn nhai, giao tiếp của bạn vẫn tiến hành được bình thường, thậm chí bạn còn được xếp vào nhóm may mắn khi không phải chịu những cơn đau nhức, khó chịu khi răng khôn xuất hiện.
Không có răng khôn, hàm răng vẫn làm tốt chức năng của mình
Thay đổi lối mòn suy nghĩ về những chiếc răng khôn là cách bạn có thể thực hiện tốt hơn việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho mình.
Bệnh béo phì và sức khoẻ răng miệng có hay không 1 mối quan hệ mật thiết?! Béo phì đang […]
Đừng coi thường những vết mốc đen, chúng có thể đem lại cho bạn ám ảnh kinh hoàng hơn cả […]
Những sự thật này sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên đấy! [FUNFACTS] Top 5 sự thật thú vị về ngành […]
Đã có bao giờ bạn tự hỏi, răng sứ có tự bao giờ? Câu trả lời chắc chắn sẽ khiến […]
Tiếp nối 2 phần trước, bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những bước chuyển mình cuối cùng […]
Nối tiếp phần 1 về những mốc chuyển mình mang tính lịch sử của ngành Nha khoa, hãy cùng khám […]